BẠN ĐÃ KỊP NÓI LỜI TẠM BIỆT VỚI GIẤC MƠ THUỞ ẤU THƠ?

Bản quyền bài viết thuộc về team Monster Box

Chi phí để trở thành bác sĩ nay đã đắt hơn, hơn rất nhiều lần.

Mỗi sinh viên y khoa sẽ cần khoảng 1 tỷ để có thể ra trường với tấm bằng chuyên môn vừa đủ. Mất 6 năm và một khoản nợ 10 chữ số, bác sĩ trong tương lai sẽ yêu cầu được xã hội bù đắp tương xứng với chi phí cơ hội họ đã bỏ ra. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng tiến trình, các ngân hàng sẽ sớm tung ra những gói vay ưu đãi cho sinh viên, mức lương cơ bản của bác sĩ sẽ được cân chỉnh và kéo theo sự gia tăng viện phí.

Có thể chúng ta sẽ sớm không còn tư cách đùa cợt về hệ thống y tế đắt đỏ của Mỹ được nữa, hay xa hơn là không còn bĩu môi chê tư bản giãy chết vì ta đang đi con đường giống y vậy – chỉ khác rằng chưa biết kết quả có được như họ không.

Nhiều thế hệ đã nằm xuống với lý tưởng đánh đuổi tư bản và gia tăng công bằng xã hội, không biết rằng chính họ sắp trở thành thế hệ kiến tạo mảnh đất màu mỡ cho tư bản chủ nghĩa.

Chất lượng giảng dạy và hệ thống y tế có thể sẽ được cải thiện và nhiều người sẽ được hưởng lợi từ điều này, nhưng ta khó lòng biết được bao nhiêu người đã bị gạt bỏ – những người không thể trở thành bác sĩ, và những người không thể đến bệnh viện.

Bản chất của những dịch vụ công ích xã hội là… lỗ. Hệ thống phương tiện công cộng, y tế, trường học, năng lượng… rất dễ kêu gọi xã hội hóa vì chúng có khả năng sinh lời lớn, mọi nhà tư bản đều sẵn sàng nhảy vào khi có cơ hội. Tuy vậy, chúng ta cố gắng bơm tiền vào những hệ thống này để bù lỗ vì lợi nhuận của chúng là phúc lợi xã hội, chứ không tính bằng tiền mặt.

Mọi học sinh sinh viên, mọi người lao động chỉ tốn 2000đ để đi đến nơi họ cần đến, ấy là lợi nhuận của toàn xã hội. Mọi người dân đều có thể đến bệnh viện khi đau ốm, ấy là lợi nhuận của toàn xã hội. Mọi đứa trẻ đều được đến trường, ấy là lợi nhuận của toàn xã hội. Mọi người đều có điện, ấy chính là lợi nhuận.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một câu khẩu hiệu hay. Tôi nghĩ phần lớn những người đang đọc bài viết này không túng thiếu đến mức xe không có để đi, đến tuổi không có tiền đi học hay bị bệnh không có tiền để khám. Chúng ta không thế, không nghĩa rằng tất cả mọi người đều thế.

Phúc lợi xã hội là hệ thống mà ít người Việt Nam có nhận thức đầy đủ, cho đến khi họ thất nghiệp còn giá nhà đất quá cao, khi con họ đến tuổi đi học và học phí quá lớn hay khi mắc phải những căn bệnh quái ác vào giai đoạn cuối trung niên với hóa đơn viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Có lẽ lúc ấy người ta mới nhận ra thực tế chua chát rằng họ không còn trông chờ vào ai được nữa, không kêu cứu ai được nữa và những năm tháng cãi nhau trên mạng về vấn đề ăn thịt chó hoài phí ra sao.

Có lẽ ấy là lý do những bậc phụ huynh luôn áp những giấc mơ họ chưa thực hiện được lên đầu con cái. Có lẽ họ biết rằng nên vạch ra những con đường an toàn nhất để khi con mình đủ lớn khôn để nhận thức được cái giá trở thành người trưởng thành, nó vẫn đủ sức để trả.

Bác sĩ, luật sư, kỹ sư, phi công… là những nghề được nhắc đi nhắc lại đến mức đã trở thành “joke” của người châu Á. Đây là những nghề nằm trong nhóm có lương cao nhất và có vị trí cao trong xã hội ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng lương chỉ là phụ, sự ổn định và vị thế xã hội mới là thứ đáng để cân nhắc.

Có thể một sinh viên y khoa vừa ra trường (thậm chí trong 5 năm đầu đi làm), họ có thu nhập thấp hơn hẳn so với tài xế chạy grab hay anh chàng bán hủ tíu ở đầu ngõ. Nhưng sinh viên y khoa có một cuộc đời ổn định hơn, an toàn hơn, thăng tiến tốt hơn ở giai đoạn nửa sau cuộc đời và đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhìn tổng thể, cuộc đời một bác sĩ bền vững và chắc chắn hơn cuộc đời của tài xế grab nhiều lần.

Những nghề truyền thống như bác sĩ là những nghề có “nội hàm dày”. Nó thuộc nhóm nghề nghiệp có bản sắc, được nhắc đến thường xuyên trong đại chúng, người trong nghề có văn hóa riêng, có những câu chuyện để kể và nhiều người sẵn sàng nghe câu chuyện ấy – những thứ này sẽ giúp cho đời sống tinh thần của người lao động trong nghề được ổn định.

Họ biết mình là ai, đang làm gì và người khác sẵn sàng giúp đỡ, tôn trọng họ – một trong những nhu cầu tinh thần thiết yếu mà không phải ai trong xã hội này cũng có.

Nhiều người sẽ không nhìn ra được điều này, trong những năm tuổi trẻ, thứ họ theo đuổi là giá trị kim tiền vốn chỉ là mặt nổi cho sự thành công. Một cậu sinh viên sẵn sàng cất bằng để chạy grab vì nghĩ thu nhập vài chục triệu đã hơn rất nhiều bác sĩ, kỹ sư, công nhân viên chức khác cùng thời điểm.

Nhưng họ không biết rằng, rất dễ và nhanh chóng thôi, họ sẽ trở thành những người vô sản bấp bênh (Precariat).

Vô sản bấp bênh, sau đây sẽ gọi là Precariat, được dùng để chỉ một tầng lớp mới xuất hiện trong xã hội, đang bán sức lao động đổi lấy tiền nhưng có vị thế bấp bênh trong xã hội.

Quay trở lại triết học cơ bản, vô sản không phải tầng lớp “không có tài sản”, mà là tầng lớp không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê. Đó là những công nhân trong nhà máy hay nông dân mướn ruộng ở nông thôn – những người chỉ có tài sản duy nhất là sức lao động của họ.

Giai cấp vô sản bấp bênh còn… bấp bênh hơn thế. Nếu như giai cấp vô sản trong thế kỷ 20 là những công nhân làm thuê thiếu phương tiện sản xuất và phải bán sức lao động để sống, thì những người thuộc giai cấp Precariat ở thế kỷ 21 chỉ tham gia một phần trong chuỗi lao động với những công việc mang tính thời vụ, thường xuyên gián đoạn và thay đổi.

Đầu tiên, những người thuộc giai cấp Precariat làm những công việc mới phát sinh kể từ sau thời đại của internet và toàn cầu hóa. Họ làm việc theo yêu cầu, thường ngắn hạn, thiếu ổn định và không biết khi nào nhu cầu về công việc này sẽ kết thúc. Những nghề này thường không được nhắc đến trên phương tiện truyền thông, ít người biết và không có bản sắc nghề nghiệp cụ thể.

Những người thuộc giai cấp Precariat thường phải chọn làm những việc thấp hơn so với học vấn của họ, thăng tiến thấp – tạo ra nỗi lo âu thường trực mà dù muốn, họ cũng không thể hoàn toàn dẹp bỏ đi được.

Thứ hai, những Precariat có mức thu nhập hoàn toàn dựa vào số tiền họ kiếm được, không được hưởng trợ cấp, không được hưởng phúc lợi, không được nghỉ phép, nghỉ ốm hưởng lương và tất nhiên không có lương hưu – những điều mà ngay cả giai cấp vô sản cũng được thừa hưởng. Điều này khiến họ luôn ở trong tình thế mà nếu bi kịch xảy ra (đau ốm, tai nạn, vi phạm pháp luật), nhiều khả năng họ sẽ phá sản.

Thứ ba, precariat dường như vô hình trong mắt những người làm chính sách và xã hội, họ đang dần mất các quyền công dân mà chính họ cũng không nhận ra. Họ có quyền lực chính trị thấp, tiếng nói trong xã hội thấp và không có người đại diện để bảo vệ cho quyền lợi của họ.

Ba yếu tố trên khiến những precariat về bản chất giống người ăn xin dù họ vẫn kiếm được thu nhập hàng tháng. Tuy vậy, để công việc diễn ra suôn sẻ, họ luôn phải làm hài lòng người đã thuê họ hay những người xung quanh (họ hàng, bạn bè, hàng xóm) để hi vọng những người ấy đưa ra quyết định có lợi cho họ.

Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Guy Standing đã cho rằng Precariat là “giai cấp mới nguy hiểm”, họ sẽ là những người tạo ra bất ổn trong trật tự của xã hội mới.

Trong giai cấp Precariat, có 3 nhóm: Atavist (Thờ ơ), Nostalgics (Hoài niệm) và Progressives (Cấp tiến).

Atavist là những người trước kia là công nhân, nhóm luôn cảm thấy mình có quá khứ thiệt thòi, thua kém người khác. Họ là những người không có học vấn, sẵn sàng nghe theo lời hứa của những lãnh đạo dân túy, cực đoan hay đặt niềm tin lớn vào chủ nghĩa dân tộc như một nỗ lực tìm kiếm giá trị của bản thân.

Nostalgics là những người nhập cư, nhóm thiểu số luôn cảm thấy sự hiện diện của họ bị xem là thừa thãi ở xã hội họ sống. Họ mất dần các quyền công dân dù cho sự cống hiến của họ không thấp hơn những công dân bản địa là bao, điều này khiến Nostalgics dần trở nên thù địch.

Progressives hầu hết là các thanh niên ở trường đại học, bất mãn khi dần nhận ra rằng lời hứa “sự nghiệp” hay “phấn đấu sẽ có cuộc đời thành công” dường như là cú lừa. Họ đang cảm thấy tương lai đang bị đánh cắp và chẳng ai quan tâm đến thế hệ của họ nữa. Điều này tạo ra xu hướng muốn phá vỡ trật tự, đấu tranh đòi hỏi các chính sách xã hội ổn định.

Tài xế công nghệ, freelancers ở những công việc thời vụ như dịch thuật, nhập liệu, hay lượng đông đảo sinh viên cảm thấy mờ mịt về tương lai là những Precariat.

Giả sử với tài xế công nghệ, đa phần trong số họ không được đóng bảo hiểm, không có chế độ lương hưu, không được nghỉ phép có lương… Họ cũng không sở hữu thông tin khách hàng, nền tảng công nghệ hay bất cứ điều gì khác giúp có thể giúp họ kiếm tiền độc lập. Kinh nghiệm nghề nghiệp của họ cũng không giúp ích được gì cho cuộc sống sau này.

Bất kể biến cố nào xảy ra, từ việc chính phủ cấm xe gắn máy, các nền tảng phá sản hay họ gây ra tai nạn giao thông, nhiều khả năng các tài xế sẽ rơi vào tình trạng túng quẫn về mặt tài chính.

Đã từng có nhiều vụ việc chủ lao động cắt thưởng, cắt hoa hồng khiến nhóm tài xế phẫn nộ và hợp sức lại để phản đối. Vụ việc của Go Viet chẳng hạn.

Grab hiện có khoảng 2,8 triệu tài xế, một lượng lớn trong đó là công dân Việt Nam. Giả sử sau một vài năm nữa xe máy bị cấm trong nội thành Hà Nội và TP. HCM (và xu hướng này là tất yếu), hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu tài xế công nghệ sẽ làm gì tiếp theo – nhất là khi họ đã phí hoài nhiều năm tuổi trẻ sau khi tốt nghiệp đại học trên yên xe máy? Tầng lớp Precariat đang bán rẻ tương lai của họ để theo đuổi đồng lương vài chục đầy bấp bênh trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, diễn biến hiện tại cho thấy chúng ta dễ trở thành Precariat hơn những nghề ổn định như bác sĩ, kỹ sư, luật sư vì chi phí cơ hội thấp hơn rất nhiều.

Như chúng tôi đã phân tích ở bài viết trong tuần lễ giáo dục, trật tự xã hội hiện nay và chế độ đào tạo nhân tài đang dẫn đến hệ lụy “con quan thì lại làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Dù rằng xã hội hiện nay duy trì sự bình đẳng trong tiếp cận (tức ai cũng có quyền đi học để trở thành bác sĩ hay kỹ sư), nhưng thực tế ai cũng thấy rằng con nhà nghèo thiệt thòi hơn nhiều trong việc học – từ chi phí nổi đến chi phí chìm.

Việc một đứa trẻ con nhà nghèo học giỏi đủ để thi đậu trường Y đã đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với con nhà giàu (vì họ không được học thêm, không có gia sư, không có thiết bị, không có nhiều thời gian và tâm trí rảnh rỗi bằng), nhưng những đứa trẻ giỏi nhất, nỗ lực nhất, có tinh thần nhất vẫn có cơ hội đổi đời.

Mọi thứ dường như đã kết thúc khi mức học phí lên đến con số gần 1 tỷ cho 6 năm đại học.

Học phí của trường Y không phải thứ đầu tiên, không phải thứ cuối cùng và tuyệt nhiên không phải thứ lớn nhất tạo ra giãn cách xã hội. Thực tế, đó chỉ là biểu hiện cho một làn sóng ngầm lớn và phức tạp hơn rất nhiều.

Rồi học phí của nhiều trường khác cũng dần tăng lên, như xu hướng tất yếu của tiến trình xã hội hóa. Chi phí giáo dục, y tế và những dịch vụ công cộng khác cũng sớm tăng lên theo. Những yếu tố trên cùng xu hướng toàn cầu hóa sẽ tạo ra nhiều Precariat hơn – những người sẵn sàng dấn thân vào những công việc ngắn hạn nhưng giải quyết tức thời nhu cầu tiền bạc. Tuy vậy, tiền cũng chỉ là thứ bề nổi. Precariat sẽ dần bị bóp nghẹt vì hệ thống phúc lợi xã hội công không được thiết kế để phục vụ những đối tượng như họ nữa.

Rồi họ sẽ làm gì đó, cách mạng chẳng hạn?

Sự bất ổn mà Precariat tạo ra ở các quốc gia tư bản đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đại dịch đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt từ 3.5% -> 15% trong 6 tháng đầu năm 2020. Dù không có số liệu cụ thể, rất có thể phần lớn trong số này là giai cấp Precariat, thay vì những nghề ổn định như bác sĩ, kỹ sư hay luật sư. Đây có thể là yếu tố liên quan những phong trào biểu tình chống lockdown, hay mới đây nhất là bạo động chống phân biệt chủng tộc với nhiều bê bối về cướp bóc, đốt phá.

Có lẽ chẳng ai muốn mình thuộc giai cấp Precariat. Có thể bố mẹ bạn cũng vậy.

Có lẽ chúng ta nên thông cảm cho áp lực mà bố mẹ đã đặt kỳ vọng, vì thực ra họ chỉ muốn ta có vị thế tốt hơn trong hệ thống. Nhưng khi tất cả chúng ta chỉ mưu cầu việc vươn lên phía trước, không thay đổi được sự thật rằng trong hệ thống luôn có % rất ổn định số người bị bỏ lại phía sau.

Chẳng ai muốn con mình bị bỏ lại phía sau cả. Nhưng liệu chúng ta đã đủ can đảm, và đủ khả năng, để tạo ra hệ thống mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau?

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Và để được học, hãy chuẩn bị 1 tỷ.